Để trở thành một lập trình viên xây dựng phần mềm chuyên nghiệp, mang đến giải pháp tuyệt vời cho công việc và học tập của người dùng. Bạn cần phải trải qua quá trình học tập và nghiên cứu chuyên sâu về quy trình phát triển phần mềm để có thể tạo ra được sản phẩm chất lượng nhất. Tuy nhiên, bài viết của kienthucphanmem.com hôm nay sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin giúp bạn hiểu cơ bản về các bước trong quy trình phát triển phần mềm. Bạn tuyệt đối đừng bỏ qua mà hãy theo dõi đầy đủ nội dung bạn nhé!
Tìm hiểu tổng quan về quy trình phát triển phần mềm
Quy trình phát triển phần mềm là gì?
Quy trình phát triển phần mềm được định nghĩa là một cấu trúc tập hợp các thao tác cùng với các kết quả tương quan được dùng trong quá trình tạo ra một sản phẩm phần mềm. Để phát triển một phần mềm, sẽ có nhiều câu hỏi cần được trả lời xung quanh quy trình này như:
- Ai sẽ tham gia vào dự án? Nhiệm vụ của từng người trong dự án này?
- Lúc nào bắt đầu thực hiện? Quá trình thực hiện dự án sẽ mất bao nhiêu thời gian?
- Quá trình phát triển phần mềm được thực hiện như thế nào?
- Những phần mềm và công cụ nào sẽ được sử dụng trong công việc này?
- Mức chi phí để phát triển phần mềm là bao nhiêu?
- Phần mềm đó có khả năng sinh lợi hay không?
- Mục đích của việc phát triển phần mềm này là gì?
Các hoạt động cơ bản có trong quy trình phát triển phần mềm
Về cơ bản, một quy trình phát triển phần mềm có 4 hoạt động cơ bản nhất sau đây:
- Đặc tả phần mềm: Trong quy trình phát triển phần mềm thì bạn cần nêu rõ phần mềm đó là gì, các chức năng, cách thức hoạt động và các điều kiện để phần mềm hoạt động.
- Phát triển phần mềm: Đây chính là quá trình xây dựng phần mềm dựa trên các đặc điểm được miêu tả phần mềm đã được ghi ra.
- Đánh giá phần mềm: Sau khi phần mềm đã được xây dựng xong thì bạn cần đánh giá sản phẩm có giống với những đặc tả phần mềm ban đầu hay không.
- Hoàn thiện phần mềm: Đây là hoạt động cần làm để hoàn thiện các tính năng và những giao diện trong phần mềm. Việc hoàn thiện này cũng đáp ứng các yêu cầu được đưa ra hoặc các yêu cầu phát sinh từ phía khách hàng.
Các mô hình phát triển phần mềm được sử dụng phổ biến hiện nay
Hiện nay, có một số mô hình phát triển phần mềm phổ biến như:
- Mô hình thác nước – Waterfall Model
Đây là một mô hình được phát triển đầu tiên. Mô hình thác nước là mô hình xây dựng phần mềm được áp dụng để xây dựng tuần tự đúng theo các giai đoạn phát triển của phần mềm. Sau khi hoàn tất các giai đoạn trước thì giai đoạn sau sẽ được thực hiện.
- Mô hình chữ V – V Model
Mô hình chữ V là một mô hình được phát triển từ mô hình thác nước. Tuy nhiên, bạn cần xác định được rõ ràng các bước thực hiện, các công nghệ và công cụ được áp dụng để thực hiện xây dựng phần mềm.
- Mô hình tiếp cận lặp – Iterative Model
Mô hình tiếp cận lặp được áp dụng trong quy trình phát triển phần mềm được ví như một việc hoàn thiện một bức tranh. Bạn sẽ thực hiện các bước từ vẽ phác thảo, vẽ chi tiết và cho đến khi tô màu hoàn chỉnh để tạo ra sản phẩm cuối cùng.
- Mô hình tăng trưởng – Incremental Model
Với mô hình tăng trưởng, các chức năng của phần mềm sẽ được chia nhỏ ra để hoàn thiện dần. Sau đó khớp nối tất cả chúng lại để tạo thành một phần mềm hoàn chỉnh.
Chi tiết các bước trong quy trình phát triển phần mềm
Mỗi phần mềm sẽ có nhiều bước khác nhau để phát triển phần mềm. Có rất nhiều bài viết, tài liệu và sách chuyên ngành đã phân chia ra nhiều bước khác nhau tùy theo từng mức độ phức tạp của phần mềm. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra một quy trình phát triển phần mềm với 6 bước như sau:
Khảo sát phần mềm
Khảo sát phần mềm chính là bước đầu tiên trong một dự án phát triển phần mềm. Trong giai đoạn này, bạn và những người đồng hành của mình cần phải:
- Tìm hiểu về phần mềm
- Thu thập tất cả những thông tin liên quan
- Tiến hành khảo sát những phần mềm khác đã tồn tại trước đó
- Đâu mới là những chức năng chính trong phần mềm đó?
- Những công cụ, giải pháp cần dùng để hỗ trợ cho quá trình xây dựng phần mềm.
- Đây có phải là phần mềm khả thi hay không?
Phân tích hệ thống
Phân tích hệ thống là bước tiếp theo trong quy trình phát triển phần mềm. Bước này sẽ giúp bạn xác định rõ ràng các thông tin, chức năng cụ thể của phần mềm này. Công việc này giúp bạn có cái nhìn khách quan và đảm bảo tính thực tế mà phần mềm bạn đang chuẩn bị xây dựng.
- Xác định các yêu cầu phần mềm: Bạn cần xác định được các chức năng chính, chức năng phụ ra sao. Phần mềm đó có thể nâng cấp được trong tương lai hay không?
- Phân tích và đặc tả mô hình tổng thể: Bạn thực hiện phân tích và đặc tả phần mềm bằng sơ đồ Business Flow Diagram. Sơ đồ này giúp phân rã nhỏ các chức năng giúp bạn xử lý dễ dàng hơn.
- Xây dựng bảng dữ liệu: Một phần mềm sẽ phải có các cơ sở dữ liệu bao gồm khóa chính, khóa phụ và các mối quan hệ giữa các trường dữ liệu và các ràng buộc cần thiết để đảm bảo tính thực tế cho phần mềm.
Cách phân tích này sẽ giúp bạn, đội nhóm và khách hàng sẽ hiểu hơn về phần mềm cuối ra sao.
Thiết kế và lập kế hoạch chi tiết
Đây là bước tiếp theo trong quy trình phát triển phần mềm. Giai đoạn này vô cùng quan trọng đối với việc phát triển một dự án phần mềm. Giai đoạn này sẽ được các chuyên gia hoặc những người dày dạn kinh nghiệm thực hiện với hai công đoạn chính:
- Thiết kế tổng quan
- Lập kế hoạch chi tiết
Thiết kế tổng quan
Trong công đoạn thiết kế tổng quan, các cơ sở dữ liệu, bảng biểu và các đặc tả sẽ được thiết kế thành mô hình mẫu trên máy tính bằng các công cụ chuyên dụng như Sybase PowerDesigner, CA ERwin Data Modeler,…Công việc này sẽ giúp người thực hiện có cái nhìn tổng quan hơn về các đối tượng có trong phần mềm trước khi đi vào lập kế hoạch chi tiết.
Lập kế hoạch chi tiết
Sau khi các kỹ sư đã thống nhất với nhau về phần thiết kế tổng quan thì họ sẽ bắt tay vào lập kế hoạch chi tiết. Các công việc cần làm bao gồm:
- Thiết kế cơ sở dữ liệu
- Xây dựng nên các truy vấn, hàm, thủ tục
- Đảm bảo giao diện của phần mềm phù hợp với yêu cầu về mặt thẩm mỹ
- Đảm bảo các chức năng của phần mềm phải phù hợp logic và thao tác dễ dàng
Ngoài ra còn có rất nhiều công việc khác mà đội kỹ sư xây dựng phần mềm cần thực hiện để đảm bảo dự án khả thi, ít có biến số trong quá trình thực hiện và dễ hoàn thành sản phẩm cuối cùng.
Thực hiện dự án
Thực hiện dự án là bước cần làm sau khi lập kế hoạch chi tiết. Đội kỹ sư xây dựng phần mềm cần phải thực hiện các công việc dưới đây trong giai đoạn này:
Họ cần phải tìm kiếm các công cụ phù hợp phục vụ cho dự án như:
- Hệ quản trị cơ sở dữ liệu
- Các công cụ hỗ trợ cho việc lập trình hệ thống và xây dựng các module hệ thống
- Tìm kiếm phần mềm phù hợp để thiết kế giao diện phần mềm
Sau khi đã hoàn thành việc tìm kiếm được các công cụ phục vụ cho dự án. Đội kỹ sư sẽ thực hiện các công việc tiếp theo để xây dựng phần mềm bao gồm:
- Xây dựng các cơ sở dữ liệu
- Xây dựng các module chức năng đã định trước
- Thiết kế giao diện của phần mềm
Ngoài ra, tùy vào từng dự án và quy trình khác nhau mà họ sẽ thực hiện thêm những công việc như:
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng cho người dùng
- Tiếp nhận các ý kiến phản hồi của khách hàng để bổ sung chức năng
Kiểm thử phần mềm
Đây là một giai đoạn khá khó khăn nhằm để kiểm chứng phần mềm có giống như các đặc tả và yêu cầu thiết kế ban đầu hay không:
- Các chức năng trong phần mềm có hoạt động ổn định hay không
- Thử nghiệm khả năng logic của các thao tác có đúng hay không
- Khắc phục nếu có xảy ra các lỗi
- Các công cụ hỗ trợ kiểm tra lỗi trên phần mềm có sẵn để sử dụng hay không?
- Nếu không, có cần phải viết và dùng để kiểm thử thành phẩm hay không?
Kết quả của bước kiểm thử phần mềm rất cần thiết cho việc hoàn thiện phần mềm. Ngoài ra, các tài liệu hướng dẫn sử dụng cho người dùng cũng cần được viết lúc này nếu chưa được thực hiện.
Triển khai và bảo trì
Sau khi phần mềm đã được xây dựng hoàn thiện thì bạn sẽ tiến hành bàn giao cho khách hàng hoặc thực hiện triển khai dịch vụ phần mềm để người dùng phần mềm tìm hiểu và sử dụng.
Trong thực tế, phần mềm này sẽ được nâng cấp, bảo trì và cập nhật tính năng để có thể nâng cấp trải nghiệm tối ưu của người dùng. Ngoài ra, việc đào tạo, xây dựng tài liệu hướng dẫn và các video hướng dẫn là những công việc cần thiết. Điều này sẽ giúp khách hàng hoặc người dùng hiểu rõ và sử dụng phần mềm thành thạo.
Trong bài viết trên đây, chúng ta vừa cùng nhau đi tìm hiểu về quy trình phát triển phần mềm và các mô hình phát triển phần mềm phổ biến nhất hiện nay. Hy vọng rằng, đây là những kiến thức giúp bạn chọn được quy trình xây dựng phần mềm phù hợp để tạo ra phần mềm chất lượng nhất, hữu ích cho người dùng.
Ban biên tập: Kiến Thức Phần Mềm